SMART - 5 tiêu chuẩn để đo lường mục tiêu

Friday, August 22, 2014
Những người thành công luôn đặt ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể và những kẻ thất bại thường không có mục tiêu hoặc mục tiêu quá mơ hồ. Muốn biến mơ ước thành mục tiêu và hiện thực hóa nó, bạn cần bắt đầu nhìn nhận theo 5 tiêu chuẩn dưới đây nhằm đảm bảo cơ hội thành công cao nhất cho nỗ lực của mình.
Hệ thống đào tạo và kết nối khát vọng làm giàu
 
 
1. Mục tiêu của bạn có cụ thể không?
 
Để ước mơ của mình được cụ thể hóa, phải nói chính xác điều muốn đạt được là gì. Ví dụ, nếu mục tiêu là thăng chức trong công ty, ta phải nói rõ điều đó có ý nghĩa thế nào đối với mình, đồng thời xác định cụ thể chức ở đây là gì. Trưởng phòng, Phó Giám đốc hay Chủ tịch. Hoặc bạn muốn trở thành vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp thì cũng nên xác định vị trí và đội tuyển mình muốn tham gia.
 
2. Mục tiêu có đo lường được không?
 
Tiêu chuẩn thứ 2 là có thể đánh giá được mục tiêu. Ta phải đánh giá hoặc đo đếm hoặc đánh dấu được kết quả bằng cách nào đó.
 
3. Mục tiêu có thể đạt được không?
 
Tiêu chuẩn thứ 3 là mục tiêu phải đạt được theo hiện trạng cá nhân. Với đặc điểm tính cách, tài sản và những hạn chế như hiện tại, bạn có thể đạt được mục tiêu này hay không? Hãy đối mặt với thực tế, rất không khả thi khi bạn chỉ cao 1,5m mà muốn chơi ở vị trí trung tâm cho đội bóng rổ. Nếu công ty yêu cầu tất cả các giám đốc điều hành phải có bằng đại học, bạn không thể nào trông mong trở thành chủ tịch công ty khi không có bằng cấp. Nói cách khác, mục tiêu phải nằm trong tầm khả năng.
 
4. Mục tiêu có thực tế không?
 
Mơ ước chơi bóng chuyên nghiệp có thực tế không khi đầu gối bạn thường xuyên bị nhức mỏi? Trở thành chủ tịch công ty có phải là điều ý nghĩa nhất với bạn không khi chuyển đến làm việc ở một châu lục khác, trong khi hoàn cảnh bố mẹ bạn đã già đang cần quan tâm săn sóc? Nói cách khác, bạn nên xem xét mục tiêu của mình có hợp lý hay không. Giữa việc vươn đến mục tiêu cao xa và mất đi sự nắm bắt thực tiễn là một lằn ranh nhỏ. Tốt nhất, để kiểm tra mục tiêu mình đặt ra có thiết thực hay không, ta nên chia sẻ với người thân xem quan điểm của họ thế nào. Nếu bạn cứ phải bào chữa cho mục tiêu của mình, có thể nó đã thiếu tính thực tiễn.
 
Một số người có thể vượt qua giới hạn của mình, bất chấp thực tế. Họ có thể khiến chuyện hoàn toàn phi thực tế trở thành hiện thực. Điều này rất hiếm khi xảy ra.
 
5. Mục tiêu có thời gian cụ thể không?
 
Mọi mục tiêu phải kèm theo thời hạn hoàn thành. Nếu không đặt ra thời gian, kết quả ta mong muốn chỉ là ý định chứ không phải mục tiêu, vì nó cứ bị trì hoãn bởi lời hứa “một ngày nào đó…”. Thời hạn cam kết phải ghi rõ thời gian cụ thể, tránh để cho mục tiêu lụi tàn trong vô hạn.
 
Nếu bạn đang nuôi dưỡng một ý định nhưng không xác định rõ thời điểm thực hiện, kế hoạch ấy có thể kéo dài lần lữa mãi. Ta cứ trì hoãn nỗ lực phấn đấu bởi không có thời hạn đặt ra cho mục tiêu của mình. Và thế là ngày qua ngày, ta cứ tự nhủ: “Có gì phải vội. Ngày mai ta bắt tay vào thực hiện kế hoạch cũng được mà”.
 
Nếu không đặt ra thời hạn cụ thể cho mục tiêu chơi bóng rổ cho đội ưa thích, một ngày nào đó bạn sẽ nhận thấy mình đã trở thành người cao tuổi và cơ hội đã vượt khỏi tầm tay.
 
Cũng cần lưu ý, khi cần, ta luôn có thể xem lại thời hạn hoàn thành mục tiêu của mình. Không phải là thất bại nếu ta không đáp ứng mục tiêu theo đúng thời hạn đặt ra ban đầu. Khôn ngoan là biết đánh giá lại thời gian biểu của mình để xác định khung thời gian hợp lý. Nếu không hợp lý ta hoàn toàn có thể thay đổi. Ta chỉ thất bại khi không cho mình linh hoạt thay đổi, hiệu chỉnh và sửa lại mục tiêu khi cần mà thôi.
 
Trích “Nếu thành công là một cuộc chơi”
 
 
 
 
20/06/2014

Bình luận và chia sẻ bài viết với bạn bè

Lưu ý: Để chia sẻ bài viết đến bạn bè cần tích vào "Cũng đăng trên Facebook" sau đó bấm vào "Publish Comment" và bấm ok để chia sẻ đến bạn bè
Other post

All comments [ 0 ]


Your comments